Lo ngại bệnh sởi có xu hướng gia tăng dịp cuối năm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số ca mắc sởi tại Hà Nội đang có dấu hiệu tăng lên, có nguy cơ tăng cao trong 3 tháng cuối năm.

Có thể gia tăng số ca mắc sởi vào cuối năm

Trong tuần qua (từ ngày 18-25.10), toàn thành phố ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc sởi, không có ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, có 6 trường hợp chưa được tiêm chủng và 1 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng. Hà Nội đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để ngăn chặn dịch.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng số 35 trường hợp mắc sởi; trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc sởi nào.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng ca mắc. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới, có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 2 tháng cuối năm. Để phòng chống dịch sởi, Hà Nội đang tích cực triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi.

Theo đó, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát đối tượng và thông báo tiêm cho những trẻ từ 1-5 tuổi, thuộc đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi – rubella.

Đặc biệt, ngành y tế tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Bệnh sởi có xu hướng diễn biến mạnh vào mùa đông – xuân

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, bệnh có xu hướng diễn biến mạnh vào mùa đông – xuân, dễ bùng phát thành dịch. Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả cho trẻ, đặc biệt, cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, tiêm bù vaccine ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…

Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 – 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc sởi trên cả nước đã tăng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi của nhiều địa phương vẫn chưa đạt mức độ bao phủ cần thiết là 95%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây lan. Hơn nữa, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi gia tăng gần đây là do tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2022 – 2023, khiến nhiều trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi, tạo ra lỗ hổng trong hàng rào miễn dịch.

Cuối tháng 8.2024, TP.Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố trước bối cảnh các ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong vì sởi. Tại một số tỉnh khu vực phía Nam và tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, tình hình bệnh sởi cũng đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp.

Nguồn: laodong.vn

Bài viết liên quan